Chấm thầu là gì? Cách chấm thầu qua mạng ra sao?

 

Không ít người băn khoăn chấm thầu là gì và cách chấm thầu qua mạng thực hiện ra sau khi mà đa số các gói thầu hiện nay đã bắt đầu thực hiện qua mạng. Hôm nay hãy cùng DauThau.info tìm hiểu với bài viết sau đây.


Chấm thầu là gì?

Chấm thầu, hay cách gọi chính xác và đúng chuyên ngành là đánh giá hồ sơ dự thầu là một bước quan trọng trong quá trình đấu thầu lựa chọn nhà thầu/lựa chọn nhà đầu tư. Sau khi hồ sơ mời thầu được phát hành, đến thời điểm đóng/mở thầu được Bên mời thầu tiến hành mở các hồ sơ dự thầu của các nhà thầu tham dự, sau khi kiểm tra sơ bộ thì các hồ sơ dự thầu của các nhà thầu sẽ được giao lại cho tổ chấm thầu (tổ chuyên gia) để bắt đầu đánh giá các hồ sơ dự thầu. Tô chấm thầu có thể làm việc độc lập từng thành viên hoặc làm việc tập trung và có ý kiến chung vào báo cáo đánh giá hồ sơ dự thầu, việc chấm thầu được thực hiện trên cơ sở hồ sơ mời thâu được duyệt và các quy định của pháp luật có liên quan về đấu thầu. Sau khi chấm thầu tổ chấm thầu có trách nhiệm lập báo cáo đánh giá gửi bên mời thầu thực hiện các bước tiếp theo, tùy theo từng loại gói thầu mà báo cáo cần nêu rõ việc xếp hạng nhà thầu hoặc điểm kỹ thuật hoặc kiến nghị nhà thầu trúng thầu.


3 nguyên tắc cơ bản của chấm thầu

  1. Việc đánh giá hồ sơ dự thầu phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và các yêu cầu khác trong hồ sơ mời thầu, căn cứ vào hồ sơ dự thầu đã nộp, các tài liệu giải thích, làm rõ hồ sơ dự thầu của nhà thầu để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu. Lưu ý, việc giải thích, làm rõ hồ sơ dự thầu đã nộp không được làm thay đổi nội dung cơ bản của hồ sơ dự thầu đã nộp, không thay đổi giá dự thầu, không thay đổi bản chất của hồ sơ dự thầu đã nộp.

  2. Việc đánh giá được thực hiện trên bản chụp, nhà thầu phải chịu trách nhiệm về tính thống nhất giữa bản gốc và bản chụp. Trường hợp có sự sai khác giữa bản gốc và bản chụp nhưng không làm thay đổi thứ tự xếp hạng nhà thầu thì căn cứ vào bản gốc để đánh giá. Đối với đấu thầu qua mạng thì điều này không cần thiết vì các file hồ sơ dự thầu về cơ bản đều là bản chụp (có thể chụp từ bản gốc).

  3. Trường hợp có sự sai khác giữa bản gốc và bản chụp dẫn đến kết quả đánh giá trên bản gốc khác kết quả đánh giá trên bản chụp, làm thay đổi thứ tự xếp hạng nhà thầu thì hồ sơ dự thầu của nhà thầu bị loại.

Chấm thầu qua mạng thực hiện như thế nào?

Về cơ bản việc chấm thầu (đánh giá hồ sơ dự thầu E-HSDT) qua mạng được thực hiện các bước tương tự như việc chấm thầu thông thường, Tổ chấm thầu có thể lựa chọn đánh giá theo quy trình 01 hoặc quy trình 02 như sau:

1. Quy trình 01: Áp dụng đối với phương pháp “giá đánh giá” và “giá thấp nhất”:

  • Bước 1: Đánh giá tính hợp lệ E-HSDT.
  • Bước 2: Đánh giá về năng lực và kinh nghiệm. Đánh giá năng lực, kinh nghiệm được thực hiện trên cơ sở các tài liệu mà nhà thầu đã kê khai trên hệ thống mà không bắt buộc nhà thầu phải đính kèm các tài liệu để chứng minh.
  • Bước 3: Đánh giá về kỹ thuật.
  • Bước 4: Xếp hạng nhà thầu.

2. Quy trình 02: Áp dụng đối với gói thầu theo phương thức một giai đoạn một túi hồ sơ, đánh giá E-HSDT theo phương pháp “giá thấp nhất” và các E-HSDT đều không có bất kỳ ưu đãi nào:

  • Bước 1: Xếp hạng nhà thầu theo giá dự thầu thấp nhất (không phải phê duyệt danh sách xếp hạng nhà thầu theo Điều 16 Thông tư này);
  • Bước 2: Đánh giá tính hợp lệ E-HSDT của nhà thầu xếp hạng thứ nhất;
  • Bước 3: Đánh giá về năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu xếp hạng thứ nhất;
  • Bước 4: Đánh giá về kỹ thuật của nhà thầu xếp hạng thứ nhất.
Trường hợp nhà thầu xếp hạng thứ nhất không đáp ứng thì thực hiện các bước đánh giá nêu trên đối với nhà thầu xếp hạng tiếp theo.


Các nội dung chính của chấm thầu

Các nội dung chính của chấm thầu (hay đánh giá hồ sơ dự thầu) sẽ thực hiện được quy định tại Điều 18 Nghị định 63/2014/NĐ-CP, cụ thể như sau:

Điều 18. Đánh giá hồ sơ dự thầu
1. Kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu, bao gồm:
a) Kiểm tra số lượng bản gốc, bản chụp hồ sơ dự thầu;
b) Kiểm tra các thành phần của hồ sơ dự thầu, bao gồm: Đơn dự thầu, thỏa thuận liên danh (nếu có), giấy ủy quyền ký đơn dự thầu (nếu có); bảo đảm dự thầu; các tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ; tài liệu chứng minh năng lực và kinh nghiệm; đề xuất về kỹ thuật; đề xuất về tài chính và các thành phần khác thuộc hồ sơ dự thầu;
c) Kiểm tra sự thống nhất nội dung giữa bản gốc và bản chụp để phục vụ quá trình đánh giá chi tiết hồ sơ dự thầu.
2. Đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu:
Hồ sơ dự thầu của nhà thầu được đánh giá là hợp lệ khi đáp ứng đầy đủ các nội dung sau đây:
a) Có bản gốc hồ sơ dự thầu;
b) Có đơn dự thầu được đại diện hợp pháp của nhà thầu ký tên, đóng dấu (nếu có) theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu; thời gian thực hiện gói thầu nêu trong đơn dự thầu phải phù hợp với đề xuất về kỹ thuật; giá dự thầu ghi trong đơn dự thầu phải cụ thể, cố định bằng số, bằng chữ và phải phù hợp, logic với tổng giá dự thầu ghi trong biểu giá tổng hợp, không đề xuất các giá dự thầu khác nhau hoặc có kèm theo điều kiện gây bất lợi cho chủ đầu tư, bên mời thầu. Đối với nhà thầu liên danh, đơn dự thầu phải do đại diện hợp pháp của từng thành viên liên danh ký tên, đóng dấu (nếu có) hoặc thành viên đứng đầu liên danh thay mặt liên danh ký đơn dự thầu theo phân công trách nhiệm trong văn bản thỏa thuận liên danh;
c) Hiệu lực của hồ sơ dự thầu đáp ứng yêu cầu theo quy định trong hồ sơ mời thầu;
d) Có bảo đảm dự thầu với giá trị và thời hạn hiệu lực đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu. Đối với trường hợp quy định bảo đảm dự thầu theo hình thức nộp thư bảo lãnh thì thư bảo lãnh phải được đại diện hợp pháp của tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam ký tên với giá trị và thời hạn hiệu lực, đơn vị thụ hưởng theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu;
đ) Không có tên trong hai hoặc nhiều hồ sơ dự thầu với tư cách là nhà thầu chính (nhà thầu độc lập hoặc thành viên trong liên danh);
e) Có thỏa thuận liên danh được đại diện hợp pháp của từng thành viên liên danh ký tên, đóng dấu (nếu có);
g) Nhà thầu không đang trong thời gian bị cấm tham gia hoạt động đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu;
h) Nhà thầu bảo đảm tư cách hợp lệ theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 của Luật Đấu thầu.
Nhà thầu có hồ sơ dự thầu hợp lệ được xem xét, đánh giá về năng lực và kinh nghiệm.
3. Đánh giá về năng lực và kinh nghiệm:
a) Việc đánh giá về năng lực và kinh nghiệm thực hiện theo tiêu chuẩn đánh giá quy định trong hồ sơ mời thầu;
b) Nhà thầu có năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu được xem xét, đánh giá về kỹ thuật.
4. Đánh giá về kỹ thuật và giá:
a) Việc đánh giá về kỹ thuật thực hiện theo tiêu chuẩn và phương pháp đánh giá quy định trong hồ sơ mời thầu;
b) Nhà thầu đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật được xem xét xác định giá thấp nhất (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá thấp nhất), giá đánh giá (đối với trường hợp áp dụng phương pháp giá đánh giá).
5. Sau khi lựa chọn được danh sách xếp hạng nhà thầu, tổ chuyên gia lập báo cáo gửi bên mời thầu để xem xét. Trong báo cáo phải nêu rõ các nội dung sau đây:
a) Danh sách nhà thầu được xem xét, xếp hạng và thứ tự xếp hạng nhà thầu;
b) Danh sách nhà thầu không đáp ứng yêu cầu và bị loại; lý do loại bỏ nhà thầu;
c) Nhận xét về tính cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu. Trường hợp chưa bảo đảm cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế, phải nêu rõ lý do và đề xuất biện pháp xử lý;
d) Những nội dung của hồ sơ mời thầu chưa phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu dẫn đến có cách hiểu không rõ hoặc khác nhau trong quá trình thực hiện hoặc có thể dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu; đề xuất biện pháp xử lý.

Như vậy có thể hiểu rằng chấm thầu giống như 1 quá trình chấm các bài thi của các học trò, trong đó các bài thi là các hồ sơ dự thầu, các học trò chính là các nhà thầu tham dự thầu, chỉ khác chút ít là chấm thầu thực hiện theo đầu bài có sẵn là hồ sơ mời thầu đã được công khai, minh bạch cho tất cả các nhà thầu quan tâm. Đối với cấm thầu qua mạng thực hiện các bước, phương pháp thực hiện cơ bản giống nhau, chỉ khác có một số phần được Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tự đánh giá (đánh giá tính hợp lệ (trừ nội dung về bảo đảm dự thầu và thỏa thuận liên danh); Đối với gói thầu dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, các nội dung đánh giá về lịch sử không hoàn thành hợp đồng, kết quả hoạt động tài chính, doanh thu bình quân hàng năm, yêu cầu về nguồn lực tài chính, kinh nghiệm thực hiện hợp đồng tương tự).

Trên đây DauThau.info đã phân tích các bước, các nội dung cần thực hiện trong chấm thầu, chấm thầu qua mạng để các độc giả tham khảo. Trong trường hợp cần hỗ trợ hãy liên hệ với chúng tôi theo các kênh sau đây:

Tác giả: Son Vu

Mới hơn Cũ hơn